Tiếp tục tháo điểm nghẽn cản trở sản xuất kinh doanh

Ngày đăng bài: 16/01/2019

Năm 2018 được coi là năm các bộ, ngành “đồng khởi cải cách” và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh hiện vẫn còn lớn nằm ở thể chế, pháp luật và cần tiếp tục tháo gỡ.



Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh, do VCCI công bố ngày 15/01/2019 cho thấy, các bộ, ngành năm 2018 đã đồng khởi rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, tối thiểu đều đã đạt trên 50%. Ông Vũ Tiến Lộc nhận xét: Tinh thần cải cách rất quyết liệt, các bộ đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rất khẩn trương, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành đã giúp doanh nghiệp bớt đi hàng ngàn thủ tục hành chính với những chi phí không cần thiết. Phương thức thực hiện các thủ tục hành chính cũng đã được nhiều bộ, ngành cải tiến mạnh, nhất là việc áp dụng thủ tục điện tử, tạo cơ chế một cửa, đơn giản hóa tài liệu, hồ sơ, đổi mới về tư duy quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

Tuy nhiên, vẫn theo ông Lộc, vấn đề đặt ra là chất lượng cắt giảm vẫn khiến doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn. Nhiều qui định cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bản chất gần như không thay đổi. Hệ thống pháp luật ban hành năm 2018 vẫn chứa đựng nhiều qui định, thủ tục bất hợp lý, chồng chéo giữa các bộ, ngành, đôi lúc đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế rất khó khăn khi thực thi. Có qui định tại luật này thì đúng, theo luật khác lại sai, ở địa phương hay bộ này diễn giải là đúng, ở chỗ khác diễn giải lại là sai. Điều này đã khiến cho môi trường kinh doanh của chúng ta trở nên thiếu tính minh bạch.

Ông Lộc dẫn ví dụ tại một hội thảo về pháp luật kinh doanh do VCCI tổ chức năm 2018, một doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới cho biết, có quá nhiều rào cản về điều kiện, giấy phép phải thực hiện mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường. Và cho đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa có đủ giấy phép do không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện. Doanh nhân này đã phải tự an ủi bản thân mình, là có khi phải sang Singapore để đầu tư và thành lập doanh nghiệp. Điều này cho thấy, mặc dù cải cách môi trường kinh doanh đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, song những chính sách hiện tại, đặc biệt là tư duy quản lý nhà nước đối với những phương thức kinh doanh mới, hiện đại trong xu thế cách mạng 4.0 vẫn còn rất nhiều rào cản.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành hiện mới dừng lại ở sự nỗ lực có rào cản thì phải cắt bỏ. Quản lý chất lượng các qui định mới cắt giảm, cũng như các qui định pháp luật kinh doanh khác mới được ban hành còn rất nhiều thách thức. Phạm vi cải cách, cắt giảm còn rất nhỏ, mới chỉ làm được 2 khía cạnh là giảm điều kiện gia nhập thị trường và giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đằng sau các qui định đã cắt giảm, tuy không cho là điều kiện kinh doanh, song vẫn còn vô số các qui định không cần thiết khác ràng buộc các doanh nghiệp không khác gì điều kiện kinh doanh, cần phải bãi bỏ hoàn toàn.

Để tháo gỡ điểm nghẽn cản trở, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong năm 2019, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét cho thực hiện tổng rà soát các qui định trong hệ thống pháp luật kinh doanh, từ đó xây dựng các văn bản luật theo hướng dùng một luật sửa nhiều luật để tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Theo báo Công Thương điện tử


 



Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc Sở Công Thương Gia Lai
Đ/c: 17 Trần Hưng Đạo, Pleiku, Gia Lai - ĐT: 02693.824.354 Email: sct@gialai.gov.vn
Chịu trách nhiệm: Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở, Trưởng Ban Biên tập
Giấy phép số 09/GP-TTĐT do Sở TT&TT Gia Lai cấp ngày 27/12/2022.


medal