Kết quả giải cứu nông sản và hoa tết

Ngày đăng bài: 02/03/2021

Từ đầu năm 2021 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đã ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ nông sản và hoa Tết trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng: sắn, mía, dưa hấu, thuốc lá… nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân; với sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến tận xã, phường; các Hiệp hội doanh nghiệp; tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp đã tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất giải cứu những mặt hàng nông sản và hoa Tết trên địa bàn tỉnh có nhiều khả quan.



1. Tình hình sản xuất, tiêu thụ một số nông sản và hoa Tết:

a. Dưa hấu:

Tổng diện tích dưa hấu trên địa bàn tỉnh khoảng 1.410 ha, tập trung tại các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Ayun Pa. Tính đến ngày 08/02/2021 tổng diện tích dưa đã thu hoạch khoảng 391 ha, sản lượng dưa đã thu hoạch khoảng 15.640 tấn và được thương lái từ Bình Định, Quảng Ngãi lên thu mua tại ruộng với giá khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg, với tổng giá trị khoảng 54,8 tỷ đồng; diện tích dưa cho thu hoạch trong dịp tết Nguyên đán 2021 (từ ngày 09/02/2021 đến 18/02/2021) khoảng 127 ha, sản lượng khoảng 5.080 tấn, giá trị khoảng 15 tỷ đồng, giá bán thời điểm này rẻ hơn giá bán thời điểm trước dịch bệnh; số diện tích còn lại sẽ được thu hoạch từ ngày 19/02/2021 trở đi.

b. Mía

Tổng diện tích mía trên toàn tỉnh niên vụ 2020 - 2021 khoảng 30.145 ha. Diện tích mía đã thu hoạch 14.146 ha, chiếm tỷ lệ 46,93% so với tổng diện tích gieo trồng, số mía thu hoạch này đã được các nhà máy đường thu mua, tập kết về nhà máy, không còn nằm đồng. Trong đó tập trung ở các huyện phía đông (An Khê, Kbang, Kông Chro, Đăk Pơ) khoảng 21 ngàn ha, các huyện phía Đông nam (Krông Pa, Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện) khoảng trên 9 nghìn ha. Trên địa bàn 02 vùng nguyên liệu mía có 02 nhà máy chế biến: Nhà máy đường An Khê với công suất 12.000 tấn mía cây/ngày. Theo số liệu báo cáo của nhà máy, hiện nhà máy đường An Khê vẫn đang hoạt động bình thường, đến thời điểm hiện tại nhà máy đã thu mua hết 70% (khoảng 14,7 ngàn ha) diện tích mía trong vùng, giá thu mua mía nguyên liệu là 9.500 đồng/kg, tăng 150 đồng so với vụ trước, ngày 05/2/2021 nhà máy nghỉ Tết Nguyên đán 2021 và bắt đầu ép trở lại vào ngày 17/02/2021. Tổng diện tích mía vùng dịch (Krông Pa, Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện) khoảng 9 nghìn ha, đã cho thu hoạch trên 3,1 nghìn ha và đã được tập kết vào nhà máy đường của Công ty TNHH MTV Thành Thành công Gia Lai; số diện tích còn lại khoảng 5,9 nghìn ha sẽ thu hoach và tiêu thụ sau Tết. Công ty TNHH MTV Thành Thành công Gia Lai với công suất 6.000 tấn mía cây/ngày. Vào thời điểm đầu vụ mía công ty tiếp nhận 6.000 tấn mía cây/ngày nhưng thời điểm hiện tại công ty chỉ tiếp nhận khoảng 3.000 - 3.500 tấn mía cây/ngày, giá thu mua của Công ty đã cam kết không giảm giá dưới 950.000 đồng/tấn.

c. Sắn:

Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh khoảng 80 nghìn ha, diện tích sắn đã thu hoạch khoảng 38,7 nghìn ha, tương đương sản lượng 774 nghìn tấn, với giá thu mua là 2.000đồng/kg; chiếm tỷ lệ 48,38% so với tổng diện tích gieo trồng. Diện tích sắn chưa thu hoạch còn 41,3 nghìn ha, tương đương sản lượng còn khoảng 830 nghìn tấn, sẽ tiếp tục thu hoạch và bán cho các nhà máy sau Tết. Sắn trong vùng dịch (Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Ayun Pa) có tổng diện tích khoảng 38 nghìn ha; diện tích sắn đã thu hoạch khoảng 21,5 nghìn ha, tương đương sản lượng 430 nghìn tấn; diện tích sắn chưa thu hoạch còn 16,5 nghìn ha, tương đương sản lượng 330 nghìn tấn.

Trên địa bàn 04 huyện nói trên có 03 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất chế biến khoảng 600 tấn/ngày, bao gồm: Công ty TNHH thương mại chế biến nông lâm sản và đường Vạn Phát, Chi nhánh công ty CP Fococev Việt Nam - Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai tại huyện Krông Pa và Công ty CP nông sản thực phẩm Việt Nam - Nhà Máy tinh bột sắn Ia Pa tại huyện Ia Pa. Sản lượng sắn cho thu hoạch tại địa bàn 04 huyện đều được các nhà máy thu mua và chế biến tại chỗ.

d. Hoa Tết:

Năm nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên chợ hoa Xuân tổ chức hạn chế hơn năm trước, một số địa phương tạm dừng hoạt động chợ hoa như: thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa, một số địa phương tiếp tục tổ chức chợ hoa như: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Sê, Đăk Đoa…

Chợ Hoa được thiết kế trên toàn tỉnh khoảng 1.000 lô, nhưng thực tế các đơn vị và cá nhân tham gia khoảng 885 lô, đạt chỉ 88,5% so với kế hoạch. Tổng số chậu hoa được tiêu thụ khoảng 94,5 nghìn chậu, lượng chậu hoa được tiêu thụ tại các chợ hoa Xuân khoảng 66 nghìn chậu, còn lại khoảng 28,5 nghìn chậu được người tiêu dùng mua tại chủ vườn (nhờ có chủ trương giải cứu). Lượng hoa và cây cảnh tham gia không nhiều bằng năm trước, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các chủ nhà vườn đã chủ động xuông giống ít hơn năm trước, tuy nhiên vào những ngày cuối tháng 01 năm 2021, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến thị trường hoa xuân, các thương lái, chủ vựa thu mua đã bỏ tiền đặc cọc không gom hàng nên lượng hoa còn tồn đọng trong dân tương đối nhiều trong những ngày đầu của tháng 02 năm 2021, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các chủ nhà vườn tiêu thụ lượng hoa còn tồn đọng, các cấp chính quyền từ tỉnh đến tận xã, cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp đã tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giúp các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh, nên thị trường hoa Tết có dấu hiệu khởi sắc.

Đến ngày 08 tháng 02 năm 2021 Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại tình hình thị trường hoa và lượng hoa còn tồn đọng tại các nhà vườn, nhìn chung thị trường và mức tiêu thụ hoa của các nhà vườn diễn biến khá thuận lợi có những tính hiệu tích cực, bởi nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp chính quyền từ thị xã, thành phố xuống tận phường, xã trong tỉnh, các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp cùng sự động thuận của nhân dân trong vấn đề giải cứu hoa; đó là cơ hội cho các nhà vườn trong tỉnh tiêu thụ toàn bộ lượng hoa tồn trước đó, đến ngày 29 và 30 Tết các nhà vườn đã tiêu thụ toàn bộ lượng hoa, không có việc lượng hoa còn tồn đọng lớn tại các chủ nhà vườn, thị trường hoa Tết trong 3 ngày giáp Tết rất sôi động, sức mua tăng nên giá cả có tăng theo.

2. Đề xuất giải pháp:

2.1. Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân:

- Trước mắt: Kéo dài thời gian thu hoạch, bảo quản, chờ qua giai đoạn dịch thì tiếp tục thu hoạch, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tăng cường áp dụng các phương pháp bảo quản như: bảo quản khô, bảo quản lạnh nhằm tạm trữ nông sản chưa tiêu thụ được trong giai đoạn hiện nay tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Về lâu dài: Phối hợp với Sở Công Thương làm cầu nối liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành
phố trên phạm vi cả nước, giới thiệu đến các nhà thu mua, bán lẻ lớn; tăng cường sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc cho sản phẩm.

2.2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp, nhà máy và cơ quan y tế để có phương án khử khuẩn phương tiện vận chuyển, thay đổi tài xế, … ngay tại điểm giáp ranh giữa khu vực có dịch và khu vực không có dịch đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 đối với các loại nông sản đã thu hoạch nhưng không thể vận chuyển đến nhà máy hoặc ra khỏi địa bàn do bị phong tỏa để giảm thiểu thấp nhất tổn hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức và các đơn vị đoàn thể hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là những địa phương có dịch bệnh.

Tuyên truyền, vận động hình thành các mô hình liên kết hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ (Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các loại liên minh). Trên cơ sở mô hình liên kết hợp tác thu hút các doanh nghiệp kết nối để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản và chế biến tại chỗ./.

Ngọc Dự - Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại



Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc Sở Công Thương Gia Lai
Đ/c: 17 Trần Hưng Đạo, Pleiku, Gia Lai - ĐT: 02693.824.354 Email: sct@gialai.gov.vn
Chịu trách nhiệm: Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở, Trưởng Ban Biên tập
Giấy phép số 09/GP-TTĐT do Sở TT&TT Gia Lai cấp ngày 27/12/2022.


medal